MTTQ TPHCM sẽ lấy ý kiến phản biện xã hội và nghe các chuyên gia khoa học nêu ý kiến về vấn đề này.
Chiều 5-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và các sở, ngành đã nghe Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD, chủ đầu tư) báo cáo dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.
30.000 đồng – 70.000 đồng/lượt
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD, cho biết vùng thu phí bao gồm hầu hết khu vực quận 1 và quận 3, được giới hạn bởi: kênh Thị Nghè - rạch Bùng Binh - đường Nguyễn Phúc Nguyên - 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh.
ITD sẽ đầu tư 35 cổng thu phí tạo thành một vành đai khép quanh khu vực này. Các cổng thu phí áp dụng công nghệ tự động không dừng với công suất 1.800 ô tô/làn/giờ.
Các chủ xe có thể mua thiết bị thanh toán phí (OBU) hoặc thuê OBU tại 35 điểm để đi vào khu vực thu phí, khi đó các cột tín hiệu được đặt dọc đường sẽ “quét” nhận dạng OBU và tự động trừ tiền trong tài khoản.
Mức phí có thể thay đổi theo từng loại xe, từng thời điểm hoặc chỉ thay đổi theo từng loại xe, dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng/lượt.
Đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1 - TPHCM là bãi đậu của hàng trăm ô tô mỗi ngày. Ảnh: PHẠM DŨNG |
Theo ông Lâm Thiếu Quân, dự án sẽ làm thay đổi hướng đi, thời gian đi, hướng người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng hoặc mua sắm qua mạng, qua đó, kéo giảm ùn tắc giao thông.
Đối tượng chính của dự án này là ô tô vì loại phương tiện này chiếm đến 95% diện tích đường nhưng chỉ đáp ứng 10% chuyến đi.
Theo tính toán của ITD, khi dự án đi vào hoạt động, taxi sẽ giảm khoảng 55% trong vùng thu phí, ô tô cá nhân giảm 70%, trong khi xe buýt sẽ tăng lên khoảng 15%.
Mỗi ngày thu phí được khoảng 3,2 tỉ đồng và tiết kiệm được khoảng 16 tỉ đồng - tính từ lượng thời gian bị ùn tắc giao thông nếu không có dự án này.
Phần tiền thu sẽ được chuyển vào ngân hàng, qua Kho bạc Nhà nước và về Sở GTVT, sau đó, sở này mới thanh toán lại cho ITD chứ đơn vị này không trực tiếp thu tiền.
Phần tiền còn lại sẽ được dùng để đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.300 tỉ đồng.
Làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ lo ngại xe hai bánh sẽ “dồn” quá nhiều vào trung tâm TP. Đại diện Sở Tài chính nêu ra 10 điểm chưa khả thi của dự án.
Theo đó, ùn tắc giao thông trong vùng lõi dự án không tác động nhiều đến kinh tế - xã hội của TP, trái lại ùn tắc ở các cửa ngõ và vành đai thu phí mới gây thiệt hại nhiều.
Hiệu quả cao nhất mà dự án hướng đến là giảm ùn tắc giao thông trong khu trung tâm, tức hạn chế ô tô vào khu vực này, thế nhưng theo tính toán của ITD, tổng mức phí thu được thực tế năm sau lại cao hơn năm trước.
Điều này chứng tỏ lượng xe đi vào trung tâm TP ngày càng nhiều, như vậy mục tiêu giảm ùn tắc giao thông liệu có đạt được?
Bên cạnh đó, một số đại biểu còn cho rằng phải có bãi đậu xe ở khu vực vành đai dự án để người dân gửi xe và đi phương tiện công cộng vào trung tâm TP, tránh trường hợp vừa mất tiền gửi xe vừa bị thu phí.
Đại diện MTTQ TPHCM còn đặt vấn đề nếu dự án không thu được tiền sau khi đưa vào sử dụng 1 - 2 năm thì tính sao?...
Trước những câu hỏi trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở GTVT và ITD xem lại tính khả thi của dự án trong điều kiện hiện tại của TPHCM và phải đặt hiệu quả kinh tế - xã hội lên hàng đầu.
Trong thời gian tới, MTTQ TPHCM nhanh chóng lấy ý kiến phản biện xã hội và nghe các chuyên gia khoa học nêu ý kiến về dự án.
Hệ thống cổng thu phí
- Cầu: Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông, Hoàng Hoa Thám, Trần Khắc Chân, Kiệu, Công Lý, Lê Văn Sỹ, Ông Lãnh, Calmette, Calmette rẽ phải, Khánh Hội, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ và Thị Nghè.
- Đường: Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, Cao Thắng, Lê Hồng Phong, 3 Tháng 2, Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hồ Thị Kỷ, Trần Phú, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Đình Xu, Hồ Hảo Hớn, Yersin và Ký Con.
Ánh Nguyệt
0 nhận xét:
Post a Comment