Bí thư Đảng ủy P.Bến Thành Lê Trương Hải Hiếu với Số hóa hồ sơ hành chính


Việc ứng dụng phần mềm số hóa hồ sơ của UBND P.Bến Thành, Q.1 (TP.HCM) tạo nhiều tiện ích cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Sáng 23.12, theo quan sát của PV Thanh Niên, người dân đến phường sao y, chứng thực hộ khẩu, CMND… đều được cán bộ phường hướng dẫn làm thủ tục lấy dấu vân tay, chụp ảnh cá nhân miễn phí, hỗ trợ đăng ký vào phần mềm quản lý. Tất cả các giấy tờ như: hộ khẩu, CMND, khai sinh, bằng cấp và các loại giấy tờ khác sẽ được scan (không thu phí) vào máy, tạo thành một file dữ liệu trên mạng. Sau này, khi làm một thủ tục hành chính nào đó, người dân chỉ cần đi người không đến, đặt dấu vân tay lên máy nhận dạng, đưa ra yêu cầu cụ thể (bằng cách nhập vào máy tính kết nối mạng) thì cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sẽ xử lý đúng theo yêu cầu…
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy P.Bến Thành - tác giả đề án
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy P.Bến Thành - tác giả đề án
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy P.Bến Thành – tác giả đề án, cho biết phần mềm được ứng dụng từ 20.12 với nhiều ưu điểm nổi bật: số hóa các hồ sơ, tài liệu theo từng lĩnh vực: thương binh – xã hội, tư pháp – hộ tịch, nhà đất, địa chính – xây dựng, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, sao y, công chứng, BHYT… giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, phần mềm cũng số hóa các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm không cần đến kho bạc nộp phạt, mà có thể nộp tại các bưu cục trên địa bàn TP, sau đó nhận lại giấy tờ liên quan qua đường bưu điện.
Phần mềm số hóa còn có chức năng quản lý cán bộ, công chức. Đó là chấm công qua máy in vân tay, buộc cán bộ, công chức phường phải đến cơ quan làm việc đúng giờ, không thể nhờ người khác “chấm công” hộ. Mỗi cán bộ, công chức cũng có một file dữ liệu. Người dân đều có thể vào mạng đánh giá thái độ tiếp dân, thời gian, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính theo các mức: tốt, chưa tốt, bình thường, kém, rất kém, đúng hẹn, trễ hẹn…
P.Bến Thành có hơn 18.000 dân, trong đó hồ sơ hành chính của hơn 16.000 người đã được số hóa. Đây là phường đầu tiên trong cả nước thực hiện bước cải tiến này. Lệ phí giải quyết hồ sơ vẫn áp dụng theo khung giá quy định của nhà nước.
Đình Phú

Anh Lê Trương Hải Hiếu trao đổi với doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu đầu tư vào TPHCM


Trong nhiều năm qua, nhất là giai đoạn 2006 – 2010, Thành ủy TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút công chức trẻ triển vọng, sinh viên khá – giỏi để đào tạo nguồn cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển TP. Tuy nhiên, hiệu quả của những chương trình này có lúc chưa được như mong muốn. Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, đã nhìn nhận một cách thẳng thắn như vậy qua cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP sau loạt bài Tin ở người trẻ.
Chưa thu hút nhiều nhân tố xuất sắc
Đồng chí Nguyễn Thị Lan cho biết, với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vừa hồng vừa chuyên, Thành ủy TPHCM thực hiện chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ (giai đoạn 2001 – 2006) và 500 thạc sĩ, tiến sĩ (2007 – 2010). Chúng ta chọn những sinh viên, công chức trẻ, triển vọng để xem xét, tạo điều kiện tiếp tục phát huy, luân chuyển, tăng cường đào tạo; đặc biệt là luân chuyển về cơ sở. Đây là chương trình mang tính chất đột phá của TP, thực hiện trong nhiệm kỳ VII và tăng cường đẩy mạnh trong nhiệm kỳ VIII. Đến nay, số lượng người tham gia chương trình là trên 1.200. Các bạn được đào tạo chính quy, một số được đào tạo ở nước ngoài và được rèn luyện trong thực tiễn. Đa số được đánh giá hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có chiều hướng phát triển tốt.
- PV: Cụ thể có bao nhiêu phần trăm cán bộ trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thị Lan : Mặc dù có đến 98% – 99% trong số 1.200 bạn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trong đó chỉ có khoảng 50% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều này cho thấy một số cán bộ diện quy hoạch dài hạn chưa thật tiêu biểu, chiều hướng phát triển không rõ; bởi “hoàn thành nhiệm vụ” đôi lúc chỉ là kết quả đánh giá kiểu nể nang, cho qua. Còn được đánh giá cao, xứng đáng nổi trội như kỳ vọng của chúng ta phải là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Cần phải nhìn nhận một thực tế là kết quả công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ tuổi của TP thời gian qua cũng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ trẻ chưa đáp ứng nhu cầu bố trí, sử dụng. Chúng ta có thể lấy con số sau để so sánh: yêu cầu đặt ra là phải có 15% cán bộ trẻ trong cấp ủy cấp trên sơ sở, nhưng tỷ lệ chỉ đạt 9,5%. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa thu hút được nhiều nhân tố thật sự xuất sắc, nổi trội.
Anh Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, quận 1 được đào tạo theo diện quy hoạch cán bộ của Thành ủy, đang trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu đầu tư vào TPHCM
Anh Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành, quận 1 được đào tạo theo diện quy hoạch cán bộ của Thành ủy, đang trao đổi với các doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu đầu tư vào TPHCM
- Như vậy, nguyên nhân nào khiến một bộ phận cán bộ trẻ vẫn chưa nỗ lực hết mình?
Điều đáng suy nghĩ là một số cán bộ được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chưa hoàn toàn yên tâm công tác. Nguyên nhân là do cơ chế tiền lương. Các bạn đi học ở nước ngoài về được nhiều nơi mời gọi với mức lương 1.000 – 1.500 USD/tháng. Trong khi đó, tiền lương tại các cơ quan quản lý nhà nước còn thấp, cơ chế làm việc vẫn còn cũ kỹ khiến các bạn chưa có điều kiện phát huy hết năng lực của mình. Lấy ví dụ, làm việc trong các sở ngành, các bạn không có điều kiện phát huy vốn ngoại ngữ. Như ở Sở Kế hoạch – Đầu tư TP, chỉ có một nhóm chuyên thẩm định các dự án đầu tư, nhưng cũng chưa chắc nhóm đó trực tiếp làm việc được với đối tác nước ngoài. Phía nước ngoài nếu muốn đầu tư vào một dự án nào đó thì sẽ thuê luật sư, người đại diện để đi làm thủ tục chứ họ không trực tiếp làm, nên các bạn khó phát huy vốn ngoại ngữ. Cá biệt, một số cấp ủy, lãnh đạo, đặc biệt là khối sở ngành cũng chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát huy sở trường.
Mở rộng nguồn quy hoạch
- Nhiều cán bộ trẻ trăn trở về điều kiện làm việc sau khi được đào tạo. Chẳng hạn một số bạn được bố trí việc không phù hợp với chuyên ngành đã học nhưng xin chuyển về nơi phù hợp thì lại không được nhận vì hết chỉ tiêu…
Khi Ban Tổ chức Thành ủy TP bố trí các bạn về công tác tại đơn vị sẽ theo nguyên tắc là bố trí đúng chuyên môn và nơi có nhu cầu. Chẳng hạn như một bạn học ngành công nghệ thông tin thì sẽ bố trí về Sở Thông tin – Truyền thông, nơi đang cần cán bộ công nghệ thông tin. Nhưng thực tế, có khi bạn ấy về sở lại được bố trí về một phòng nào đó và trưởng phòng lại giao cho công việc ít liên quan đến công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong hệ thống cơ quan nhà nước, nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng chờ cấp trên bố trí, rồi trong lúc chờ trưởng phòng phân công công việc thì nhân viên mới được yêu cầu ngồi… đọc tài liệu. Các bạn trẻ – đặc biệt là những bạn học từ nước ngoài về – sẽ thấy sốt ruột với phong cách lề mề, chậm chạp đó. Do vậy, vấn đề quán triệt cho lãnh đạo, cấp ủy các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa quan trọng của công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ là hết sức cần thiết.
- Vậy chúng ta có kênh thông tin nào cho các bạn phản hồi nếu có sự bố trí, sử dụng không hiệu quả ở cơ sở không?
Chúng tôi vẫn đề nghị các bạn giữ mối quan hệ thường xuyên để kịp thời thông báo khi được đề bạt, bổ nhiệm cũng như thông tin những thuận lợi, khó khăn trong công việc. Thời gian qua, những trường hợp gặp khó khăn trong công việc đều được gặp gỡ trao đổi để tháo gỡ hoặc bố trí lại công việc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng nhiều bạn chưa thông tin kịp thời, để khó khăn dồn lại…
- Nhìn ra những hạn chế trên, Thành ủy TP có giải pháp gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ?
Để tăng cường chất lượng, hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quán triệt sâu sắc trong cấp ủy, lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các cấp các ngành về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ. Muốn có lớp trẻ kế cận, cấp ủy và lãnh đạo phải thật sự quan tâm, quyết tâm, kiên trì đeo bám, nhắc nhở, chăm chút cho các bạn.
Một giải pháp quan trọng khác là chúng ta sẽ mở rộng đối tượng đưa vào diện quy hoạch. Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao đang bị cạnh tranh gay gắt thì không nên có sự phân biệt cứng nhắc giữa khu vực công quyền và khu vực tư nhân, trong nước và nước ngoài. Nghị quyết 42-NQ/TW của Bộ chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đề ra phương châm công tác quy hoạch là “động” và “mở”. Thời gian qua, chúng ta chỉ chọn nguồn từ công chức và sinh viên mới ra trường. Giờ chúng ta nên phát hiện những cán bộ, lao động ngoài quốc doanh nổi trội về năng lực và trình độ, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức. Muốn thu hút được người giỏi, chúng ta phải có chính sách rõ ràng, cụ thể.
Mạnh dạn thi tuyển chức danh, bổ nhiệm vượt cấp
- Cụ thể, những chính sách thu hút của TPHCM là gì, thưa đồng chí?
Vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy TP cũng nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi sẽ đề nghị TP có chủ trương thi tuyển các chức danh để mở rộng hơn dân chủ, công khai, có yếu tố cạnh tranh trong quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ trẻ tuổi diện quy hoạch được dự tuyển và sớm được rèn luyện thử thách trên cương vị lãnh đạo, quản lý… Hiện nay chúng ta bổ nhiệm theo quy hoạch, trong khi đó việc quy hoạch lại theo kiểu “một chức danh, nhiều người”, nặng tính thứ tự trước sau. Việc thi tuyển chức danh, trước đây một số quận – huyện, sở – ngành cũng đã thực hiện nhưng chưa thành chủ trương chung của TP. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất việc mạnh dạn bổ nhiệm vượt cấp, rút ngắn thời gian bổ nhiệm đối với những cán bộ xuất sắc, nổi trội. Bên cạnh đó, TP sẽ đề xuất trung ương tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng thêm 10% cấp ủy viên là cán bộ trẻ đối với cấp ủy cấp trên cơ sở và cấp TP trong nhiệm kỳ.
- “Có thực mới vực được đạo”, TP có chính sách gì để tạo môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ xứng đáng để duy trì nhiệt huyết của người trẻ?
Chính sách tiền lương là quy định chung, TP khó thay đổi. Do vậy để các bạn cải thiện thu nhập, chúng tôi nghĩ đến biện pháp tạo điều kiện cho những bạn đi học ở nước ngoài về có một phần thời gian để tham gia thỉnh giảng ở các trường đại học, các trung tâm đào tạo vì thực tế những nơi này cũng có nhu cầu. Các sở, ngành có thể giao cho các bạn tham gia vào các dự án để có thêm thu nhập từ chi phí thực hiện dự án. Nói chung, vấn đề này phải được giải quyết một cách linh động theo từng địa phương, đơn vị.
- Cán bộ làm việc tại sở ngành thì có thể đi giảng dạy. Nhưng với cán bộ trẻ công tác tại phường, xã, thị trấn vùng sâu vùng xa, e rằng việc này hơi khó?
Đúng là hiện nay cán bộ công tác ở phường, xã là cực nhất. Công việc ở cơ sở rất nhiều, nhiệm vụ nặng nề, không còn quỹ thời gian để đi làm thêm. Do vậy, TP đánh giá rất cao đội ngũ cán bộ trẻ, chủ chốt ở phường, xã. Giai đoạn công tác ở phường, xã cũng là giai đoạn giúp họ trưởng thành nhất, với nhiều trải nghiệm sâu sắc, ý nghĩa. Vừa rồi, Thành ủy, UBND TP đã có chế độ trợ cấp thêm cho cán bộ tốt nghiệp đại học, sau đại học công tác tại phường, xã, thị trấn. Về lâu dài, TP sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương để thay đổi cơ chế. Ban Tổ chức Thành ủy TP và Sở Nội vụ cũng thống nhất sẽ có cuộc họp bàn kỹ về giải pháp, chính sách để hỗ trợ các em, giữ chân các em làm việc lâu dài.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Số liệu thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM cho thấy: Cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn đến nay được hơn 1.200 người. Qua nỗ lực phấn đấu, rèn luyện đã có 847 cán bộ được kết nạp Đảng (chiếm 70,34%); 431 cán bộ được bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng ban cấp quận huyện, sở ngành, chủ chốt phường, xã và tương đương (tỷ lệ 35,79%); 373 cán bộ tham gia cấp ủy các cấp (chiếm 30,98%), 74 là cán bộ đương nhiệm và dự bị chức danh Thành ủy TP quản lý. Gần 600 cán bộ trẻ đã và đang được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng phương thức đào tạo trong nước kết hợp nghiên cứu thực tập ở nước ngoài và đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài – theo chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ (2001 – 2006) và 500 thạc sĩ, tiến sĩ (2007 – 2010).
Qua tổng kết Đại hội Đảng cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010 – 2015, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở đạt 9,50% (khối quận huyện 12,43%, khối sở ngành và trung ương 5,77%). So với nhiệm kỳ trước, tỷ lệ này đã tăng 3,21% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu 15% đặt ra.
Theo SGGPO

Anh Lê Trương Hải Hiếu một cán bộ trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài


Từ năm 2001, TPHCM triển khai chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ (2001 – 2006) và 500 tiến sĩ, thạc sĩ (2007 – 2010) (gọi tắt là chương trình). Đến nay, chương trình có 216 học viên công tác tại các sở ban ngành, đơn vị sự nghiệp của TP. Trong số đó, có khoảng 60% số học viên đã trở thành cấp quản lý phó trưởng phòng sở ngành, quận huyện, đặc biệt có 22 cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở.
Quả ngọt đầu mùa
Từ một công chức bình thường, Nguyễn Anh Đức được chương trình cử đi học. Về nước, khởi nghiệp từ vị trí khiêm tốn ở bộ phận nghiên cứu phát triển, chỉ sau 1 năm, anh đã được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc kế hoạch – đầu tư của Liên hiệp HTX Thương mại Saigon Co.op và vào Hội đồng quản trị của liên hiệp – “mảnh đất” thường chỉ ưu ái những người có kinh nghiệm, dám cạnh tranh năng lực. Chỉ với 3 năm được ví bước đi bằng “đôi hia 7 dặm”, Nguyễn Anh Đức là một trong những nhân tố điển hình thành công từ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.
Anh Lê Trương Hải Hiếu (giữa), một cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài từ chương trình của Thành ủy hiện là Bí thư phường Bến Thành, quận 1. Ảnh: Việt Dũng
Anh Lê Trương Hải Hiếu (giữa), một cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài từ chương trình của Thành ủy hiện là Bí thư phường Bến Thành, quận 1. Ảnh: Việt Dũng
Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất, còn khá nhiều trường hợp đi lên nhờ được đào tạo bài bản, như tiến sĩ Trần Quang Nam trở thành Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Sài Gòn; Th.S Phan Thị Bình Thuận chọn con đường viết lách và nhanh chóng trở thành Phó Tổng biên tập của tờ báo lớn. Tính đến tháng 8-2010, chương trình đã bố trí 216 học viên công tác tại các sở ban ngành, đơn vị sự nghiệp của TP. Theo đánh giá của các đơn vị tiếp nhận sử dụng cán bộ, hầu hết các học viên được bố trí công tác đều chứng tỏ được năng lực chuyên môn khá tốt, thích nghi và xử lý công việc nhanh nên đến nay khoảng 60% số học viên đã trở thành cấp quản lý phó trưởng phòng sở ngành, quận huyện và tương đương, đặc biệt có 22 cán bộ được giới thiệu tham gia cấp ủy cấp trên cơ sở.
Theo Ban điều hành chương trình, trong giai đoạn 2001 – 2006, TPHCM đã chi hơn 115 tỷ đồng đào tạo được 256 học viên các nhóm ngành kinh tế, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, quản lý đô thị, văn hóa – xã hội và luật tại 74 trường ở nhiều nước cũng đã thu về những thành quả nhất định. Nhưng hạn chế của Chương trình 300 chính là đầu vào từ nhiều nguồn: sinh viên, cán bộ công chức, thậm chí lao động ngoài quốc doanh… nên đã gặp khó khăn trong bố trí công tác sau đào tạo.
Th.S Nguyễn Anh Đức trăn trở: Nếu biết công tác sau đào tạo được bố trí công tác ở Saigon Co.op thì trong quá trình học, mình đã có thể tập trung nghiên cứu sâu về thị trường, cách thức bán lẻ… Đằng này, người học bị động nên giai đoạn đầu về nhận việc rất nhiều bạn bỡ ngỡ, khó thích nghi với chuyên môn, môi trường công tác, đó cũng là một cản trở.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP, khẳng định: Chương trình 500 đã khắc phục nhiều nhược điểm của Chương trình 300, đặc biệt là quy trình tuyển chọn với các tiêu chí như nhân tố trẻ, có tâm huyết, CBCC-VC dạng quy hoạch dài hạn của cơ sở hoặc sinh viên khá giỏi; bám sát chỉ tiêu đào tạo của cơ sở để dễ bố trí sau này. Chương trình 300 khá tốn kém với toàn bộ học viên đều học bán phần hoặc toàn phần tại nước ngoài thì ngược lại Chương trình 500 tập trung đào tạo vào những lĩnh vực mà TPHCM đang “khát” nhân lực như: quản lý đô thị (dự án, cấp thoát nước, bất động sản…), kinh tế (quản lý thị trường tài chính – chứng khoán, thương mại quốc tế, kế toán – kiểm toán) theo hai dạng học trong nước đi thực tế nước ngoài và học tại nước ngoài để giảm chi phí.
Sinh viên nghiên cứu vật liệu Nano tại ĐHQG TPHCM. Đây là nguồn đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của TP. Ảnh: Đức Thành
Sinh viên nghiên cứu vật liệu Nano tại ĐHQG TPHCM. Đây là nguồn đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của TP. Ảnh: Đức Thành
Đến tháng 8 này, Chương trình 500 đã đào tạo được 328 học viên trong tổng số 479 học viên được xét duyệt. Từ những quả ngọt đầu mùa, chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao bước đầu đã đưa những nhân tố mới có trình độ chuyên môn phục vụ tiến trình hội nhập, phát triển của TPHCM. Chương trình mở ra hướng đi mới trong việc trọng dụng và bố trí nhân tài – cũng chính là tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
Liên kết sau đào tạo
Những người trong ban điều hành chương trình từng tâm sự: Cái khó còn lại của chương trình chính là việc ý thức cũng như cần xác định trách nhiệm của cơ sở trong việc quan tâm cử người trẻ đi học và đặc biệt là tạo điều kiện để các bạn trẻ phát huy sau khi về làm việc. Đó cũng là trăn trở chung của nhiều học viên sau khi kết thúc các khóa học.
Một học viên theo học tiến sĩ ngành thương mại quốc tế tại Thái Lan cho biết: “Chuẩn bị kết thúc khóa học, tôi được ban tổ chức giới thiệu về phòng kinh tế quận nhưng rõ ràng công tác mới không phù hợp với chuyên ngành đã học. Tôi có nguyện vọng xin về Sở Kế hoạch – Đầu tư để áp dụng kiến thức chuyên môn nhưng không được đáp ứng vì hết chỉ tiêu”.
Trường hợp của học viên này không phải là hiếm. Nhiều người cũng đành “rẽ ngang” bởi sự bất cập trong khâu giới thiệu, bố trí công tác, đó là chưa kể thu nhập không cao. Trong số hơn 200 học viên được bố trí công tác thì đã có 28 học viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác và tuy đó chỉ là số ít nhưng cũng gây lãng phí. Đó là chưa kể trong số kinh phí đào tạo cần thu hồi hơn 12 tỷ đồng cũng chỉ thu hơn 6 tỷ đồng. Thực tế học viên cũng có những khó khăn: Công tác bổ nhiệm sau đào tạo vẫn chưa ưu việt nên người học vẫn còn tâm lý chưa an tâm.
Dù là những người trẻ, giàu tâm huyết phấn đấu, cống hiến cho Đảng, Nhà nước nhưng thực tế học viên cũng cần được tạo động lực, điều kiện cống hiến và phát triển hậu đào tạo. Đó chính là hạn chế của chương trình đang được xóa dần với phương pháp nơi nào cử đi sẽ tiếp nhận cán bộ quay về công tác, có biện pháp gắn kết với địa phương, cơ sở để hỗ trợ công tác. Nếu như việc này được thực hiện hiệu quả hơn thì chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ tạo một cú hích trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ TPHCM.
Tiêu Hà

Số hóa hồ sơ hành chính

Việc ứng dụng phần mềm số hóa hồ sơ của UBND P.Bến Thành, Q.1 (TP.HCM) tạo nhiều tiện ích cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Sáng 23.12, theo quan sát của PV Thanh Niên, người dân đến phường sao y, chứng thực hộ khẩu, CMND... đều được cán bộ phường hướng dẫn làm thủ tục lấy dấu vân tay, chụp ảnh cá nhân miễn phí, hỗ trợ đăng ký vào phần mềm quản lý. Tất cả các giấy tờ như: hộ khẩu, CMND, khai sinh, bằng cấp và các loại giấy tờ khác sẽ được scan (không thu phí) vào máy, tạo thành một file dữ liệu trên mạng. Sau này, khi làm một thủ tục hành chính nào đó, người dân chỉ cần đi người không đến, đặt dấu vân tay lên máy nhận dạng, đưa ra yêu cầu cụ thể (bằng cách nhập vào máy tính kết nối mạng) thì cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sẽ xử lý đúng theo yêu cầu...

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Bí thư Đảng ủy P.Bến Thành - tác giả đề án, cho biết phần mềm được ứng dụng từ 20.12 với nhiều ưu điểm nổi bật: số hóa các hồ sơ, tài liệu theo từng lĩnh vực: thương binh - xã hội, tư pháp - hộ tịch, nhà đất, địa chính - xây dựng, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, sao y, công chứng, BHYT… giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, phần mềm cũng số hóa các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức vi phạm không cần đến kho bạc nộp phạt, mà có thể nộp tại các bưu cục trên địa bàn TP, sau đó nhận lại giấy tờ liên quan qua đường bưu điện.

Phần mềm số hóa còn có chức năng quản lý cán bộ, công chức. Đó là chấm công qua máy in vân tay, buộc cán bộ, công chức phường phải đến cơ quan làm việc đúng giờ, không thể nhờ người khác "chấm công" hộ. Mỗi cán bộ, công chức cũng có một file dữ liệu. Người dân đều có thể vào mạng đánh giá thái độ tiếp dân, thời gian, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính theo các mức: tốt, chưa tốt, bình thường, kém, rất kém, đúng hẹn, trễ hẹn…

P.Bến Thành có hơn 18.000 dân, trong đó hồ sơ hành chính của hơn 16.000 người đã được số hóa. Đây là phường đầu tiên trong cả nước thực hiện bước cải tiến này. Lệ phí giải quyết hồ sơ vẫn áp dụng theo khung giá quy định của nhà nước.

Đình Phú