Nhiều đột phá trong cải cách hành chính

Năm 2011, nhiều địa phương tại TP Hồ Chí Minh đã có sáng kiến mới, nhằm cải tiến các thủ tục hành chính. Những cải tiến này hầu hết đều liên quan mật thiết đến cuộc sống hằng ngày của người dân, qua đó, thiết thực nâng cao chất lượng phục vụ người dân...

Cán bộ UBND phường Bến Thành (quận 1) hướng dẫn người dân đăng ký dấu vân tay để làm thủ tục hành chính.

Nhiều cải tiến được người dân hoan nghênh


Ði đầu là UBND phường Bến Thành (quận 1) đã sử dụng hệ thống quản lý cá nhân của người dân trong phường bằng số hóa. Trong đó, vân tay của mỗi cá nhân sẽ được nhận dạng để áp dụng khi mọi người đến đây làm thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Văn Lê Bá Lộc, phụ trách công nghệ thông tin của phường cho biết: "Lần đầu người dân đến đây làm các thủ tục hành chính, chúng tôi sẽ hướng dẫn lấy mẫu vân tay trên hệ thống máy tính, rồi kê khai mọi thông tin cá nhân, chụp ảnh miễn phí và scan các giấy tờ liên quan như CMND, sổ hộ khẩu, các loại bằng cấp và những giấy tờ cần thiết khác. Tất cả những loại giấy tờ này sẽ được lưu trong hệ thống máy tính của phường. Từ lần thứ hai đến phường làm thủ tục hành chính, người dân chỉ mang... tay không. Người dân cứ đến thẳng máy tính, đặt ngón tay vào nút nhận diện dấu vân tay, lập tức màn hình sẽ hiện ra toàn bộ thông tin và giấy tờ của mình. Lúc này, họ chỉ cần điền thông tin vào biểu mẫu các loại giấy tờ mà họ cần làm thủ tục. Phường chỉ việc in ra và đóng dấu chứng thực".

Bà Trần Thị Liên, ở đường Nguyễn Trung Trực, đến phường khai thêm nhân khẩu cho gia đình mình hoan hỷ: "Tôi già rồi, mỗi lần đi chứng giấy là phải mang theo nhiều giấy tờ liên quan, "lắc cắc" quá mà người già thì hay quên. Thiếu thứ này, quên thứ kia, có khi quên cả hộ khẩu ở phường. Giờ phường làm kiểu này, tôi thấy hay quá, bớt cho người dân nhiều thì giờ, lại tiện lợi cho người già như chúng tôi". Với cách áp dụng công nghệ thông tin này, mỗi hồ sơ chỉ cần 5 phút là hoàn tất quy trình xác nhận thủ tục, hồ sơ.

Tác giả của phần mềm làm thủ tục hành chính qua xác nhận dấu vân tay này chính là Bí thư Ðảng ủy phường Bến Thành Lê Trương Hải Hiếu. Cũng ở quận 1, từ tháng 6-2011, UBND quận đã thí điểm gắn máy điện tử tại trụ sở để lấy ý kiến người dân về mức độ hài lòng khi đến đây làm thủ tục hành chính. Ðây là nỗ lực của UBND quận nhằm xây dựng hình ảnh công bộc thân thiện của cán bộ công chức trong việc tiếp dân, giải quyết các loại hồ sơ. Hệ thống này gồm 11 máy, được gắn trước tất cả các quầy tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ. Mỗi máy đều hiển thị tên và hình ảnh của cán bộ tiếp dân tại mỗi quầy. Hệ thống "chấm điểm" này thể hiện ba tiêu chí về: thời gian giải quyết hồ sơ (đúng hẹn hay trễ hẹn); quy trình, thủ tục hành chính (rõ ràng hay chưa rõ ràng) và thái độ phục vụ của công chức (thân thiện hay thiếu thân thiện). Người dân khi đến trụ sở của quận để làm thủ tục hành chính, chỉ cần nhấn nút trên máy vào một trong các mức độ đó để góp ý trực tiếp với lãnh đạo quận về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức phụ trách. UBND quận 1 cũng là đơn vị hành chính đầu tiên trong cả nước lắp đặt hệ thống máy "chấm điểm", đánh giá thái độ phục vụ dân của cán bộ, công chức. Với hệ thống đánh giá điện tử, khó có ai có thể "ăn gian", chối cãi hành vi của mình. Thế nên, thái độ phục vụ người dân ở quận 1 đã được cải thiện rất rõ rệt, đến nay hệ thống này đã "chấm" gần 15.000 ý kiến hài lòng và chỉ có gần 30 ý kiến chưa hài lòng. Và với những ý kiến chưa hài lòng về thái độ, chất lượng phục vụ đó, UBND quận cũng đã có thư xin lỗi gửi đến từng nhà người dân. Từ kết quả này, năm nay quận dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống máy "chấm điểm" này xuống các phường trong quận. Hệ thống máy "chấm điểm" này cũng sẽ được thành phố cho lắp đặt và áp dụng tại nhiều sở, ngành và toàn bộ các quận, huyện trong năm 2012. Tháng 12-2011, UBND quận 1 cũng đã khai trương hệ thống nhắn tin lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính với tất cả các lĩnh vực. Người dân giờ chỉ ngồi nhà, bấm máy điện thoại, nhắn tin (cú pháp UBNDQ1, gửi đến tổng đài 8083 và mã lĩnh vực mình cần làm thủ tục. 1: đô thị, tài nguyên, môi trường; 2: kinh tế; 3: lao động; 4: hộ tịch; 5: sao lục hồ sơ hành chính, trả hồ sơ tài nguyên môi trường). Sau khi tin nhắn được gửi đi, người dân sẽ được báo ngay số thứ tự và thời gian hẹn cụ thể đến làm thủ tục. Mỗi tin nhắn chỉ tốn phí 500 đồng mà người dân đã có thể ngồi nhà hay làm công việc khác, đúng hẹn đến trụ sở là có ngay cán bộ, công chức "thân thiện" tiếp đón, làm thủ tục hành chính. Do tính tiện lợi và bớt đáng kể thời gian đi lại, chờ đợi của người dân, mô hình này đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo nhân rộng đến các sở, ngành và các quận, huyện trên toàn thành phố.

Cải cách để xây dựng chính quyền đô thị


Năm qua, các áp dụng thí điểm như trên được đánh giá là bước chuẩn bị cho năm nay để thực hiện nhiều cải cách hành chính cụ thể với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị của thành phố. Ðây cũng là một trong sáu chương trình đột phá mà Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011-2015 đề ra. Ðây cũng là năm nằm trong lộ trình của Chính phủ là phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 13 và 14 (về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố và quận, huyện), cho phù hợp với yêu cầu từng vùng, từng địa phương. Vì vậy, một trong những yêu cầu cải cách hành chính của TP là sẽ đề xuất với Chính phủ những phương án kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, các quận, huyện phải phù hợp đặc trưng của đô thị. Thành phố sẽ kiến nghị cho thành lập Sở Du lịch để quản lý hoạt động du lịch vì khách du lịch đến thành phố hiện chiếm ba phần tư lượng khách cả nước. Nếu để chung như hiện nay thì rất khó quản lý trong nhiều lĩnh vực đặc thù. Thành phố hiện cũng hướng tới việc lập lại Sở Giao thông công chính như cũ để quản lý lĩnh vực công chính, hạ tầng và kỹ thuật đô thị. Thành phố cũng sẽ thí điểm việc quản lý theo hệ thống dọc ngành giáo dục và y tế, nhằm nâng cao chất lượng quản lý về chuyên môn, nhân sự, hạ tầng đồng bộ. Tránh tình trạng "da beo" như hiện nay, nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến trên, tránh tình trạng quá tải bệnh nhân, một giường bệnh mà phải nằm hai, ba bệnh nhân. Thêm vào đó, TP cũng sẽ xem xét, bố trí lại nhiệm vụ của từng phòng ở cấp quận, huyện. Tránh tình trạng một phòng nhưng chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của rất nhiều sở, ngành. Như tình trạng các phòng Quản lý đô thị ở các quận, huyện hiện nay, công việc của phòng này liên quan đến rất nhiều sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Tài chính... Năm nay cũng là năm thành phố tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức qua việc đẩy mạnh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng theo từng nhóm đối tượng. Ðây là những hướng và bước đi cụ thể mà thành phố sẽ đẩy mạnh trong năm nay, để sớm hoàn thành việc xây dựng chính quyền đô thị, phù hợp yêu cầu phát triển của thành phố trong tương lai.